CEO Zubi - Bạn biết gì về Thế giới phẳng?

    Ngay thời điểm tôi đọc quyển sách này – tại thời điểm 4 năm về trước, thật khó có thể tin rằng đây sẽ là cuốn sách nói về Toàn cầu hóa có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất ở Việt Nam trên bình diện đại trà, bất chấp một sự thực rằng – như tất cả mọi công trình nghiên cứu khác – nó không hề bao quát toàn cảnh toàn cầu hóa như người ta đã nghĩ.



    Thomas Friedman là một nhà báo kỳ cựu, một người viết bài lâu năm cho tờ New York Times, một tác giả đã được vinh danh ở giải Pulitzer, và với qui mô và sự uy tín của nền báo chí Mĩ, chúng ta hoàn toàn có thể xem trọng những gì ông đúc kết ra qua bộ ba tác phẩmChiếc Lexus và Cây Ô-liuThế giới phẳng và gần nhất là Nóng, Phẳng, Chật. Với tác phẩmThế giới phẳng, dường như bất cứ người đọc nào (nhất là những ai đang chập chững làm quen với khái niệm Toàn cầu hóa), đều tin vào những luận điểm của Friedman, cho rằng chính sự phát triển của công nghệ thông tin đã mở ra kỷ nguyên toàn cầu hóa 3.0 cho thế giới, tức “biến thế giới từ cỡ trung sang cỡ nhỏ”, và rằng tiến trình này bắt đầu khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

    Từ khi có Thế giới phẳng, cùng với hiệu ứng liên hoàn của việc Việt Nam tổ chức thành công APEC 2006 và gia nhập WTO ngày 1/1/1007, Toàn cầu hóa đã trở nên cực kỳ phổ biến trong tư duy của một thế hệ người Việt Nam mới. Kỳ thi tốt nghiệp PTTH vừa qua có một câu tự chọn trong môn sử hỏi về nguồn gốc và các biểu hiện của Toàn cầu hóa. Gần đây, trong bài thi kết thúc môn Toàn cầu hóa của mình, tôi cũng đã nhận được một câu hỏi rằng hãy chứng minh trật tự thế giới đang chuyển đổi từ việc xây dựng quanh những bức tường sang quanh các mạng lưới (network). Dường như ở Việt Nam, toàn cầu hóa đang trở thành một khái niệm thời thượng, và cách tiếp cận đầu tiên, mang tính chất tiên phong và tạo ra hiệu ứng sâu rộng nhất, chính là những luận điểm của Friedman trong Thế giới phẳng.



    Trong quyển sách có thể làm say mê bất cứ người đọc trẻ ham hiểu biết nào, Thomas Friedman đã trình bày phải nói là xuất sắc và vô cùng thuyết phục những bằng chứng xã hội mà ông thu thập được ở mọi nơi trên thế giới: Công nghệ thông tin, đường truyền Internet băng thông rộng đã khiến chu kỳ làm việc ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ khép kín ra sao, sự kết nối nhanh chóng khiến việc thuê làm bên ngoài (outsourcing) trở nên dễ dàng, cơ hội nghề nghiệp một lần nữa lại được phân bổ trên bình diện toàn cầu, và theo một cách nào đó, làm xóa nhòa đi khái niệm “biên giới quốc gia”. Thế giới phẳng mô tả, các nhân viên trực điện thoại của Ấn Độ có thể giải quyết các vấn đề của người Mỹ ở các bang xa xôi mà họ thậm chí còn chưa đặt chân đến, những bác sĩ ở các bệnh viện cách nhau nửa vòng trái đất có thể cộng tác trên cùng một bệnh án, gia sư có thể dạy trực tuyến ra sao… và trên hết, là việc các cá nhân ngày càng có quyền lực hơn trong việc biến đổi thế giới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ quốc tế, trên hết vì sự thay đổi cách tiếp cận quyền lực từ góc độ truyền thống (nhà nước, chính phủ) sang góc độ mới và đa chiều (cá nhân, NGOs, MNCs), và thế giới đang vận hành nhanh như một đường truyền ADSL gắn tại nhà. Với những người đọc ít quan tâm đến chính trị, Thế giới phẳng cũng không kém phần ý nghĩa: nó truyền cho chúng ta sự tự tin vào tính bén nhạy và linh hoạt của một thế giới mở, khi bạn chỉ cần một máy tính cá nhân nối mạng, bạn đã có thể thay đổi cả thế giới.

    Tất cả những điều trên được thể hiện một cách hết sức tuyệt vời trong những luận điểm đầy sức sống và truyền cảm hứng của Friedman. Ông phát triển Thế giới phẳng dựa trên nền tảng của Chiếc Lexus và Cây Ôliu, nâng tầm vóc của phương pháp luận từ kinh tế – văn hóa quốc gia lên bình diện phức tạp của thông tin toàn cầu, tích hợp đủ mọi khía cạnh của sự giao lưu toàn cầu như một mạng lưới (network) thực sự. Tuy thế, giọng văn cũng không kém phần hấp dẫn với tinh thần báo chí cực kỳ sống động và bám sát đời sống. Điều này khiến Thế giới phẳng vừa mang tính lý luận vừa mang tính thực tế cao. Hơn thế nữa Friedman cho đến lúc này vẫn còn vô cùng lạc quan vào Toàn cầu hóa, và cho rằng sức mạnh của thông tin có thể thay đổi thế giới một  cách cốt lõi. Thế giới phẳng, do đó, khiến ta tin tưởng đáng kinh ngạc.

    Tuy thế, không phải tất cả những gì Friedman viết cũng chính xác. Trước hết, khác hoàn toàn với đáp án của đề thi Tốt nghiệp THPT, “Toàn cầu hóa” là một khái niệm mơ hồ, mang tính chất hiện tượng hơn tính chất lý thuyết. Mỗi học giả nghiên cứu Toàn cầu hóa lại đưa ra một quan điểm riêng, tùy theo phương pháp luận và quan điểm mà họ theo đuổi. Ví dụ một nhà chính trị học sẽ nghiên cứu Toàn cầu hóa trên nền tảng của sự thay đổi (hay bào mòn) của quyền lực quốc gia dưới tác động của những tác nhân chính trị mới (nhờ vào sức mạnh của thông tin). Những nhà quan hệ quốc tế lại dựa vào các học thuyết (Tân hiện thực, tự do, chủ nghĩa kiến tạo toàn cầu…) mà quan sát tiến trình này. Một vài tài liệu kinh tế học lại khai thác Toàn cầu hóa bằng luận điểm của sự phá bỏ các rào cản thương mại (trade barriers), sự giảm sút của chi phí vận chuyển, và cuối cùng là sự hội tụ giá cả hàng hóa ở các thị trường mậu dịch (comodity price convergence)… Không ít tài liệu và ý tưởng bi quan hay hoài nghi về tương lai của Toàn cầu hóa. Và mỗi năm khi Davos đang họp, thì hàng ngàn người từ các nền kinh tế bị thua thiệt trong tiến trình phân chia quyền lực toàn cầu trong một thế giới không còn sự bảo vệ lại chuẩn bị cờ xí, biểu ngữ để biểu tình chống đối toàn cầu hóa. Chính Friedman cũng đồng ý, trong chương hay nhất của Thế giới phẳng – Thế giới không phẳng – rằng có những phong trào chống đối Toàn cầu hóa (và Phương Tây – một khái niệm hay được những quốc gia cực đoan gán ghép cho toàn cầu hóa) – kịch liệt đang diễn ra tại những vùng trọng điểm. Đó là chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, và tính hận thù sâu sắc đối với sự giàu có được phân bổ đầy bất công cho những quốc gia quyền lực. Do đó, sự lạc quan của Friedman trong Thế giới phẳng có thể sẽ khiến người đọc quá tin tưởng vào sự tốt đẹp của Toàn cầu hóa, mà quên đi rằng luôn có mặt trái của vấn đề tồn tại.

    Chưa kể đến, ngày tháng ra đời của tiến trình toàn cầu hóa cũng đáng để tranh cãi. Bản thân Firedman cho rằng có 3 cột mốc cho Toàn cầu hóa, nhưng các tài liệu mà tôi đọc được lại tranh luận rằng những nhà sử học kinh tế theo quan điểm của Adam Smith lại cho rằng Toàn cầu hóa ra đời vào cuối thế kỷ XV, khi Columbus và da Gama tạo ra những phát kiến địa lỹ vĩ đại vào năm 1492 và 1498, biến các đại dương thành các xa lô cho thương mại của người Châu Âu. Và còn những ngày sinh tháng đẻ rất bất ngờ khác nữa. Chín người mười ý.

    Tuy nhiên, xét về mọi mặt, Thế giới phẳng là một quyển sách giá trị và đáng đọc với bất kỳ ai. Việt Nam cũng đang bắt đầu tham gia tiến trình toàn cầu hóa, và việc những người trẻ hiểu được những cơ hội mà mình sẽ có trong thế giới ngày nay sẽ giúp ích rất nhiều trong việc nhận thức về con đường phát triển của đất nước, cũng như góp phần vào sự phát triển ấy. Trong thế giới phẳng, ai cũng có phần của mình, chỉ cần bạn mở các cửa sổ (windows) ra.

Không có nhận xét nào: