CEO phải làm tốt 3 việc say đây dù bận rộn tới đâu

    CEO Thái Aiti "Theo tôi, dù bận rộn cỡ nào, họ cũng buộc phải tập trung vào ba việc lớn. Làm tốt ba việc này, các CEO lớn mới dần dần thoát ra khỏi quỹ đạo đầy bận rộn như của các doanh chủ khác".

    Trong công việc và cuộc sống, tôi đã gặp được rất nhiều chủ doanh nghiệp. Có nhiều người đang ở đỉnh cao, tài sản nổi, tài sản chìm, doanh nghiệp lớn trong tay cả tá, tên tuổi thì cả nước biết đến. Số khác thì còn đang lặn ngụp trong luồng công việc hàng ngày giữ cho công ty đừng có lỗ, phải đóng cửa, rất ít người biết đến. Hai nhóm này rất khác nhau.

    Nhóm thứ nhất, tôi tạm gọi là CEO lớn, họ vui vẻ, bao dung, có ý chí mạnh mẽ, dù vấp ngã hay có những thay đổi lớn, họ vẫn đứng dậy đi tiếp vững vàng. Họ có hàng ngàn người đi theo họ, không phải vì tài sản mà họ tạo ra, mà là vì trí tuệ, nhân cách và sức hấp dẫn mà họ đang tỏa ra tác động lên những người quanh mình.
    Nhóm thứ hai, tuy có một vài ngôi sao tuy còn bé mà tôi tin sẽ có ngày trở thành CEO lớn, số còn lại phần lớn đang rất căng thẳng, tập trung vào những chuyện trước mắt, lo lắng giải quyết những công việc vận hành doanh nghiệp (operations) hàng ngày. Ký phiếu chi này, gặp gỡ khách hàng kia, đọc lại báo cáo nọ, la mắng nhân viên làm không đúng ý mình, mệt mỏi và không còn nhiều thời gian cho bản thân, cho gia đình.
    Thực ra, tất cả các doanh nghiệp khi khởi đầu đều phải trải qua giai đoạn tương tự các doanh chủ thuộc nhóm hai: tự mình làm mọi việc. Vậy làm sao các CEO lớn lại thoát ra khỏi được công việc bận rộn hàng ngày để đẩy doanh nghiệp của mình lên tầm cao mà ai ai cũng phải ngước nhìn?
    Theo tôi, dù bận rộn cỡ nào, họ cũng buộc phải tập trung vào ba việc lớn. Làm tốt ba việc này, các CEO lớn mới dần dần thoát ra khỏi quỹ đạo đầy bận rộn như của các doanh chủ khác. Ba việc này trong thời gian đầu họ không thể thuê chuyên gia, các công ty tư vấn làm thay mà phải tự mình làm:
    - Tạo ra một tầm nhìn
    - Xây dựng văn hóa
    - Phát triển con người
    Tạo ra một tầm nhìn
    Không có một tầm nhìn rõ ràng và quyết liệt đi theo nó là một lỗi rất lớn của của hầu hết các doanh nghiệp nhỏ.
    Câu khẳng định này của tôi có 2 vế:
    - Không có tầm nhìn rõ ràng
    - Không quyết liệt đi theo tầm nhìn này
    Khi không có tầm nhìn rõ ràng, bạn sẽ thu hút những người không phù hợp vì họ chỉ đến với bạn vì tiền.
    Khi không quyết liệt đi theo tầm nhìn bạn đã tạo ra, người giỏi đã đi theo bạn cũng sẽ bỏ ra đi, vì họ tìm đến bạn cũng chính vì tầm nhìn thu hút mà bạn đã tạo ra. Bạn không đi theo tầm nhìn này, họ bỏ bạn là đúng rồi.
    Bạn có thể tranh luận với tôi rằng:
    - Em đang lo cơm áo gạo tiền anh ơi, mấy cái tầm nhìn này không đổi thành cơm cho nhân viên em được, từ từ em tính.
    - Công việc hàng ngày nhiều quá, em không thở nổi, không có thời gian nghĩ đến tầm nhìn gì. Doanh nghiệp em còn nhỏ anh ạ.
    Chính những suy nghĩ dạng này là những khối đá khổng lồ níu doanh nghiệp của bạn không cho cất cánh.
    Doanh nghiệp là một cộng đồng xã hội thu nhỏ với rất nhiều cá nhân có tính cách, trình độ, thói quen khác nhau. Việc có một tầm nhìn chung và hàng ngày điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp mình đi theo tầm nhìn này là điều giúp cho các doanh nghiệp nhỏ phát triển bùng nổ lớn mạnh và các doanh chủ trở thành CEO lớn.
    Khi bạn có tầm nhìn xa, rõ ràng, bạn sẽ bớt:
    - Mất năng lượng vào những việc nhỏ không đem lại giá trị lớn. Chuyển giao công việc, tin tưởng các đồng sự còn giúp gia tăng niềm tin, khả năng phối hợp trong đội ngũ và phát triển tài năng.
    - Căng thẳng khi có việc xảy ra không đúng theo kế hoạch. Lệch một chút không có ảnh hưởng lớn đến con đường bạn đi. Một ổ gà bạn sa vào không làm giảm giá trị của cả con đường bạn đã và đang đi. Việc bớt căng thẳng cũng giúp chúng ta suy nghĩ sáng suốt hơn, tránh sa lầy vào một vài việc trước mắt mà quên đi bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp mình và đích đến mà mình đang nhắm tới.
    Khi quyết liệt đi theo tầm nhìn của mình, bạn sẽ tạo ra:
    - Niềm tin vào tương lai của doanh nghiệp cho tất cả các bên, từ khách hàng, nhân viên cho đến các đối tác chiến lược.
    - Đội ngũ sẽ học hỏi rất nhiều với những lần chỉnh hướng khi doanh nghiệp đang đi sai, từ cách đo lường, truyền thông, tới thực thi, tuyên truyền lãnh đạo.
    Hành động cần làm:
    - Bạn hãy ngồi xuống và viết ra tầm nhìn cho công ty mình 10-20 năm sau. Hãy tưởng tượng công ty của mình lớn mạnh ra sao, khách hàng đón nhận các giá trị mà công ty đem lại nhiệt tình thế nào, các thành viên trong công ty nhiệt thành thực thi công việc hàng ngày của mình, liên tục nâng tầm của cá nhân và biến doanh nghiệp của mình thành một tổ chức học tập như thế nào.
    - Hãy hình dung 3-5 hành động bạn sẽ làm mỗi ngày để thực hiện tầm nhìn này của bạn.
    - Hãy chia sẻ tầm nhìn và những hành động này với đội ngũ của bạn và gắn kết tầm nhìn của họ với tầm nhìn của công ty bạn.
    Xây dựng văn hóa
    Đi đến đâu bạn cũng thấy chữ văn hóa. Từ nhỏ như văn hóa của khu phố, văn hóa làng xã, văn hóa của doanh nghiệp cho tới văn hóa dân tộc, văn hóa của đất nước. Có khi nào bạn ngẫm nghĩ xem, văn hóa là gì và văn hóa của cá nhân hay doanh nghiệp bạn được định hình ra sao? Văn hóa từng cá nhân và văn hóa của một tập thể, trong trường hợp này là doanh nghiệp của bạn đem lại những giá trị gì và xây dựng nó ra sao?
    Với tôi, văn hóa là thói quen:
    - Những gì chúng ta hay tin (thói quen tin)
    - Những giá trị chúng ta hay theo đuổi (thói quen hút về điều gì đó)
    - Cách chúng ta hay suy nghĩ (thói quen nghĩ)
    - Cách chúng ta hay nói (thói quen nói)
    - Cách chúng ta hay hành động (thói quen hành vi)
    Tất cả những điều này tạo ra định hướng lèo lái các hành động chúng ta thường làm. Nếu bạn luộc một miếng thịt và bạn là người Việt, chắc chắn tới 99.99% là bạn sẽ muốn chấm miếng thịt luộc đó với nước mắm chất lượng, mà không phải là một loại nước chấm, hóa chất nào khác. Niềm tin và các thói quen vào một truyền thống đã có hàng trăm năm đã lái hành vi của bạn. Khi xây dựng công ty, bạn chắc chắn đã có "cài sẵn" văn hóa của chính mình vào công ty của bạn hoặc trộn lẫn văn hóa của nhiều nguồn tác động khác nhau thành văn hóa chung. Tuy vậy phần lớn chúng ta đều mắc sai lầm là không xây dựng những điều này một cách có kế hoạch, có chiến lược, có hệ thống. Khi chú ý sửa chữa được điều này, chúng ta sẽ giải quyết được rất nhiều thứ:
    - Thống nhất được niềm tin, cách nghĩ, cách hành động của các hoạt động thường gặp. Giảm bớt được các hành vi đi lệch khỏi các giá trị, niềm tin mà chúng ta mong muốn tổ chức của mình vươn tới.
    - Xây dựng được tiêu chuẩn cho các hành vi, quy trình thường gặp. Giảm bớt được những mơ hồ về chất lượng hiệu quả công việc.
    Hành động cần làm:
    - Xây dựng bộ giá trị công ty bạn theo đuổi
    - Xây dựng bộ hệ thống tư duy (thinking system) cho các bộ phận, quy trình trong đó làm rõ ý nghĩa, nguyên nhân của từng bước thực hiện.
    - Xây dựng hướng dẫn về hành vi, giao tiếp cần có
    - Xây dựng các tiêu chuẩn hành vi cho các hoạt động thường gặp
    - Thường xuyên tuyên truyền, huấn luyện về các giá tri văn hóa, các tiêu chuẩn thói quen mà công ty vươn tới.
    Phát triển con người
    Với tầm nhìn, và văn hóa, một CEO lớn xây dựng cho mình một mục tiêu (tầm nhìn) hướng tới, và khung hành vi, hành động (văn hóa) cho doanh nghiệp của mình. Nhưng tất cả đều không thể đem lại những kết quả lớn nếu không trả lời được câu hỏi phát triển con người. Tầm nhìn và văn hóa giúp con người có định hướng và có tiêu chuẩn hành vi rõ ràng, nhưng doanh nghiệp của chúng ta phát triển, con người cũng cần phát triển tương ứng.
    Doanh nghiệp sẽ không lớn nổi với những con người trì trệ, với tư duy xưa cũ, thiếu cập nhật cải tiến nâng cấp từ kiến thức tới kỹ năng để tạo thành bộ năng lực cốt lõi (Core Competencies) chiến lược đem lại giá trị cho khách hàng mà người khác không thể sao chép được. Nói cách khác, chính con người là người thực thi Văn hóa theo định hướng tầm nhìn, nhưng chính con người là người phát triển văn hóa, tầm nhìn đó lên những tầm cao mới, tạo ra những giá trị mới và bảo vệ nó như những chiến binh, những đại sứ thương hiệu đích thực.
    Phát triển Con người cần có định hướng chiến lược rõ ràng để trả lời những câu hỏi:
    - Chúng ta sẽ chọn ai đi chung đường với chúng ta?
    - Chúng ta sẽ đón tiếp họ và giúp họ hiểu được Tầm nhìn và Văn Hóa công ty để họ hòa nhập nhanh chóng với tổ chức như thế nào?
    - Chúng ta giúp họ đánh giá năng lực bản thân ra sao và hỗ trợ họ tự phát triển năng lực này liên tục như thế nào song song với việc ghi nhận thành tích và tưởng thưởng họ?
    CEO lớn hiểu rằng họ không thể có toàn đội là tinh hoa. Nếu chỉ tuyển dụng những người giỏi nhất, trả lương, lợi ích cao nhất thì công ty sẽ phá sản rất sớm.
    CEO lớn tin rằng họ xây dựng được hệ thống tuyển dụng vào những con người phù hợp với Tầm nhìn và Văn hóa công ty, giúp công ty phát triển qua chính sự phát triển của từng cá nhân các thành viên này.
    Hành động cần làm:
    - Rà soát lại tư duy tuyển dụng, đào tạo hội nhập và đào tạo nâng cao.
    - Xây dựng lại hệ thống huấn luyện theo định hướng Tầm nhìn, Văn hóa, Chiến lược chung.
    - Triển khai quản trị hiệu quả công việc (Performance Management) dựa trên hiệu quả đích thực, thuyết phục và chỉ rõ ra những điều cần làm để từng cá nhân nâng cấp bản thân mình chứ không phải những chỉ số vô hồn, hoặc đầy cảm tính.
    Nếu bạn là một doanh chủ, bạn cần thực hiện 3 nhiệm vụ này mỗi ngày để trở thành một CEO lớn và doanh nghiệp của bạn trở thành một tập đoàn lớn.
    Hoặc bạn kiếm cho mình một người thay thế bạn thành CEO lớn. .
    Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: