Thanh Hóa quê tôi, mảnh đất đầy tiềm năng và lợi thế


    Ảnh bởi Trà My Studio, chụp chính thức tại Quảng Trường Lam Sơn, tỉnh Thanh Hóa





    Tôi yêu quê tôi, xử xở sinh ra tôi, nơi quê cha đất mẹ. Là người con Thanh Hóa, lập nghiệp tại Hà Nội, nhưng trong tâm luôn đau đáu muốn trở về quê hương để phát triển thêm sự nghiệp. Phần nào tôi chưa làm được điều đó, cũng vì sự đam mê nhiệt huyết của tuổi trẻ, cũng có thể là chưa đến thời điểm để tôi tạm xa Hà Nội, trở lại mảnh đất yêu thương này.


    Trong chuyến công tác tháng 9/2017, tôi và bà xã đã tranh thủ trở về quê. Gần đây, sự phát triển của Thanh Hóa có nhiều bước tiến mang tính đột phá. Đặc biệt từ năm 2015, Thanh Hóa thực sự chuyển mình với những “cú hích” ngoạn mục. Từ một tỉnh nghèo của cả nước, rất nhiều khó khăn, song với sự đồng thuận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, xứ Thanh đã “đẩy mạnh thu hút đầu tư, khởi công các dự án...”, trở thành vùng đất tiềm năng.


    Thanh Hóa hội tụ các điều kiện tiềm năng về tự nhiên, địa hình, văn hóa, con người, lịch sử và truyền thống cách mạng, bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa mang tính đặc trưng của Việt Nam, là điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững.
    Với bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn giữ được nhiều di tích có giá trị, như di chỉ văn hóa núi Đọ từ thời đồ đá cũ, Đền Bà Triệu, Khu di tích Lam Kinh; nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và độc đáo như bãi biển Sầm Sơn, Vườn Quốc gia Bến En, suối cá thần Cẩm Lương, Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ...
    Tỉnh Thanh Hoá có thể ví như một “Việt Nam thu nhỏ” với đầy đủ các loại địa hình, các hệ sinh thái, đó là: đồng bằng, miền núi, trung du và ven biển, với nguồn tài nguyên phong phú về đất, rừng, biển, cùng với thời tiết, khí hậu thuận lợi cho phát triển sản xuất các loại nông sản hàng hoá tập trung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, như lúa, mía đường, cao su, luồng, các loại gỗ, các sản phẩm thuỷ sản…
    Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều tài nguyên khoáng sản, trong đó một số loại có trữ lượng lớn so với cả nước như đá granit và marble (trữ lượng 2 - 3 tỷ m3), đá vôi làm xi măng (trên 370 triệu tấn), sét làm xi măng (khoảng 85 triệu tấn), crôm (khoảng 21 triệu tấn) và nhiều loại tài nguyên khác, thuận lợi cho phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp xi măng, vật liệu xây dựng, sản xuất điện năng, công nghiệp lọc hoá dầu và sau lọc hoá dầu.

Không có nhận xét nào: