Đức Phật Thích Ca không phải là thượng đế hay thần linh

    Phật không là Thượng đế, cũng không phải là thần linh, mà chỉ là một con người, nhưng con người đã chiến thắng thế gian. Người theo Phật tôn kính Đức Phật như một người thầy vĩ đại. Ngài không hề tạo ra tất cả, Ngài cũng không phải là người quyết định sự vui, khổ của con người, mà Ngài chỉ dạy cho chúng ta chân lý về vui khổ, và con đường để chúng ta tự mình tìm thấy hạnh phúc.


    Đức Phật đã chiến thắng thế gian, nhưng Ngài không cần ngai vàng để ngự trị và cũng không cần thần dân để được tôn vinh. Ngài sống rất thảnh thơi với ba mảnh y và một bình bát, nhưng chiến thắng được tâm mình để sống với chơn tánh mới là cái chiến thắng vĩ đại của bậc Đại giác, Đại hùng vậy. Chỉ sau khi Ngài nhập diệt, con người mới tôn thờ Ngài, sùng tín Ngài như các vị thần linh. Tóm lại, Đức Phật chỉ là một đạo sư, là ngọn đuốc tuệ để giúp chúng sinh nương theo đó mà tìm ra con đường sáng, con đường giải thoát giác ngộ cho chính mình.
    Để giải thích mối quan hệ giữa lòng tin và trí tuệ, Đức Phật dạy rằng :
    “Người có lòng tin mà không có trí tuệ thì thường làm tăng trưởng vô minh. Người có trí tuệ mà không có lòng tin thì thường làm tăng trưởng tà kiến”.
    Đức Phật không phải là đấng thần linh nên Ngài không bắt buộc chúng sinh phải tin vào Ngài một cách tuyệt đối. Ngược lại, Đức Phật dạy chúng sinh phải tư duy quán chiếu, suy nghiệm những lời Phật dạy một cách khách quan, đứng đắn thì mới có lợi ích cho mình. Đức Phật muốn chúng sinh thấu hiểu chánh pháp để thấy biết đúng, suy nghĩ đúng mà có cuộc sống thanh bình an lạc thì lúc đó con người đâu còn tin vào tà kiến, mê tín dị đoan.
    Đạo Phật là tôn giáo duy nhất trên hoàn cầu xác định rằng cánh cửa thành công để đạt đến cứu cánh giải thoát giác ngộ phải mở rộng cho tất cả mọi người, từ nam nữ, lớn nhỏ, sang hèn, cao thấp, đạo đức hay tội lỗi. Nếu chúng sinh biết cải thiện đời sống trong sạch, hóa giải hết phiền não vô minh thì sẽ có được Bồ-đề, Niết bàn như Phật.


    Quan điểm của Đạo Phật về “thượng đế”
    Không phải ngày nay con người mới nghe đến những tôn giáo thuộc về “Thiên chủ tạo vật” mà vào thời Đức Phật đã có những giáo thuyết như vậy rồi. Đó là “Thượng đế tạo ra tất cả mọi người, mọi vật. Thượng đế chịu trách nhiệm tất cả mọi việc. Thượng đế ban thưởng và tha thứ tội lỗi của chúng ta. Thượng đế chịu trách nhiệm về cuộc đời chúng ta sau khi chúng ta chết. Thượng đế sẽ cho ta lên thiên đường hay bắt ta xuống địa ngục”. Ở đây, Đức Phật không hứa hẹn hạnh phúc hay ban thưởng cho những ai tự nhận là tín đồ của Ngài và Ngài cũng không hứa hẹn cứu rỗi cho những ai đặt niềm tin nơi Ngài. Đức Phật không khuyên các đệ tử của Ngài đi cải đạo dân chúng, những người mà nếu không theo sẽ bị đọa vào địa ngục.
    Ngài và tín đồ của Ngài không chỉ trích những người khác đạo là những người phạm tội sẽ bị đọa vĩnh viễn nơi địa ngục. Theo tinh phần Phật giáo, cả đến những người không đạo nhưng biết sống trong phẩm hạnh và có lòng từ bi thì vẫn có thể lên thiên đường như thường. Đối với Ngài, tôn giáo không phải là sự mặc cả, mà là con đường sống cao thượng để đạt đến cứu cánh tột đỉnh là giải thoát giác ngộ. Đức Phật không muốn các tín đồ của Ngài tin tưởng trong mù quáng. Ngài muốn chúng sinh phải biết suy nghĩ và thấu biết.
    Phật giáo là con đường cao thượng cho đời sống mà nơi đó, nhân đạo, bình đẳng, công bằng và an lạc chiếm vị trí tối thượng. Đức Phật phủ nhận có đấng Thượng đế. Đức Phật không dạy phải cầu nguyện và sùng bái Ngài để được Ngài tha thứ cho các tội lỗi. Thanh tịnh hay ô nhiễm trong tư tưởng của chúng sinh tùy thuộc nơi chúng sinh. Không một đấng thiêng liêng, Phật hay một tha nhân nào có thể làm ô nhiễm hay thanh tịnh tư tưởng của người khác được. Ngay cả Niết bàn là hạnh phúc tuyệt đối cũng thế, khi chúng sinh tự mình quét sạch được những dục vọng, luyến ái và vị kỷ thì chính họ sẽ nghiệm chứng sự an lạc tịch diệt của Niết bàn chớ Niết bàn không phải do Như Lai ban tặng được.

Không có nhận xét nào: